Hệ xương khớp có nhiệm vụ nâng đỡ, vận động, tạo ra tế bào máu, dự trữ mỡ và muối khoáng cho cơ thể. Vì vậy, cần có chế độ chăm sóc mỗi ngày để hệ xương khớp luôn khỏe mạnh.
Chức năng của xương khớp suy giảm từ tuổi 30. Cùng với quá trình xây dựng và phân hủy tự nhiên thì các tế bào xương cũng được thay thế liên tục. Từ 30 tuổi, quá trình xây dựng có phần chậm lại so với quá trình phân hủy khiến mật độ xương giảm dần đi, chức năng của khớp xương cũng suy giảm.
Điều này tất yếu dẫn đến loãng xương và các bệnh liên quan đến xương khớp khác. Do đó, nếu ngay từ lúc trẻ, chúng ta xây dựng thói quen chăm sóc sức khỏe xương khớp mỗi ngày sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa, duy trì sức khỏe xương khớp khi về già.
Ăn uống không lành mạnh và ít vận động dễ dẫn đến các bệnh về xương khớp. Không chỉ bệnh tim mạch, béo phì, mà nay thoái hóa khớp (một loại bệnh phổ biến liên quan đến xương khớp) cũng được “kết nạp” vào “hàng ngũ” những chứng bệnh do lối sống. Đó là sự ít vận động và ăn uống thiếu chất của một số đối tượng.
Đối tượng dễ mắc bệnh xương khớp (nhất là thoái hóa khớp) là giới văn phòng. Một nghiên cứu cho thấy trung bình dân văn phòng dành đến 5 tiếng 41 phút để ngồi một chỗ tại bàn làm việc. Đồng thời, do tính chất công việc, hiếm ai làm văn phòng có thể duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý một cách đều đặn.
Họ chỉ hoặc ăn quá nhiều hoặc ăn quá ít và thực phẩm cũng thiếu đa dạng. Hiển nhiên, sự thiếu vận động và thói quen ăn uống sơ sài dẫn đến thiếu hụt nhiều dưỡng chất thiết yếu là những tác nhân trực tiếp gây ra các bệnh xương khớp như loãng xương, thoái hóa khớp.
Xương cần được bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày
– Ăn nhiều các loại rau quả: mỗi ngày nên ăn hơn 300g rau các loại và hơn 200g trái cây, để cung cấp đủ các vitamin nhóm B, C, D, E, beta-caroten (tiền vitamin A), khoáng chất kali, magiê là những chất chống ô-xy hóa có tác dụng phòng ngừa các bệnh thoái hóa.
– Ăn vừa đủ thức ăn giàu đạm: đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, nghêu, sò… và tăng đạm thực vật như tàu hủ, đậu nành, các loại đậu đỗ… Mỗi ngày nên ăn trung bình 50g thịt, 50 -100g cá, 100g đậu hủ, 30g đậu đỗ, trứng 3 – 4 quả/tuần. Đặc biệt, có nhiều nghiên cứu cho thấy chất béo omega-3 có trong cá có thể giúp giảm viêm khớp.
– Sữa: nên uống 2 – 3 ly/ngày. Nếu có thừa cân hoặc cholesterol máu cao thì thay bằng sữa tách béo. Sữa cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất đặc biệt giàu canxi rất cần thiết cho người bệnh xương khớp.
– Ăn vừa đủ thức ăn giàu tinh bột: cơm, mì, nui, bắp, khoai, củ… để không bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Nên ăn gạo lức, thêm khoai củ, bắp để tăng chất xơ và các chất dinh dưỡng khác.
Như vậy, duy trì một nếp sống lành mạnh: tập thể dục mỗi ngày kết hợp với dinh dưỡng đa dạng, giàu vi chất tốt cho xương khớp như: canxi, vitamin D, mangan, selen, chất chống ôxy hóa… là cách phòng ngừa loãng xương và thoái hóa khớp hiệu quả.
Một số bài viết khác:
Hội chứng Tennis Elbow dẫn tới viêm gân
Phù nề dây chằng chéo trước có nguy hiểm không?
Bệnh viêm khớp tinh thể là gì? Nguyên nhân và Cách điều trị
Các bài tập tốt cho người bị trật khớp háng
Trật xương bánh chè: nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị