Vận động giúp tăng cường sức mạnh xương, củng cố mô cơ và sụn, từ đó giúp giảm đau khớp hiệu quả.
Khớp là nơi tiếp xúc giữa các xương với nhau bằng các cơ và dây chằng kết nối ổn định. Theo thời gian, cơ thể phải đối mặt với sự lão hóa trong đó có xương khớp do lớp sụn hao mòn. Nếu không chủ động vận động, duy trì các thói quen tốt, chúng có thể suy giảm nhanh hơn dự kiến.
Muốn xương khớp khỏe mạnh thì cần giảm sự hao mòn sụn khớp theo thời gian. Vận động giúp cho khớp khỏe mạnh cũng là cách giúp ngăn ngừa cơn đau “ghé thăm” hoặc nguy cơ phẫu thuật do mắc các vấn đề về khớp.
Theo WebMD, lối sống ngồi nhiều một chỗ, ít vận động gây ra nhiều tác hại như yếu xương, tăng nguy cơ đau khớp, hạn chế chất dinh dưỡng tới khớp. Do đó, vận động là chìa khóa giúp cho khớp khỏe mạnh và tiếp tục duy trì hoạt động.
Dưới đây là 3 lợi ích của việc vận động với sức khỏe xương khớp:
Xây dựng sụn chắc khỏe
Thoái hóa khớp xảy ra khi lớp sụn có vai trò làm lớp đệm cho các khớp hao mòn do chấn thương trước đó hoặc thừa cân, béo phì, làm tăng khoảng cách giữa các xương. Điều này có thể dẫn đến đau đớn và khó chịu ở một số người khi vận động.
Nghiên cứu đã chỉ ra, tập thể dục thực sự có thể củng cố lớp sụn. Các khớp được bao quanh bởi một mảng mô mỏng kết nối với nguồn cung cấp máu gọi là màng hoạt dịch. Màng này tạo ra chất lỏng bôi trơn khớp và sụn lấy chất dinh dưỡng từ chất lỏng này.
Khi tập thể dục, máu được bơm khắp cơ thể nhanh hơn, cung cấp cho màng tế bào một lượng chất dinh dưỡng dồi dào, được truyền vào chất lỏng. Bên cạnh đó, chạy bộ và các bài tập tác động mạnh khác đã được chứng minh là giúp tăng cường lượng chất lỏng giàu chất dinh dưỡng này vào sụn, giữ cho sụn luôn khỏe mạnh.
Nếu đã bị đau khớp, bạn nên tránh các bài tập có tác động mạnh có thể làm tăng thêm triệu chứng đau, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Tăng sức mạnh các khớp
Đầu gối, hông và các khớp khác hoạt động nhờ vào mạng lưới cơ hỗ trợ để giữ cho chúng luôn cứng cáp. Vì vậy, các bài tập xây dựng các cơ và dây chằng sẽ củng cố các khớp, giảm nguy cơ chấn thương lâu dài.
Một số bài tập giúp xây dựng cơ bắp săn chắc là nâng tạ, đẩy tạ… nhưng không nên quá vội vàng tăng cường độ tập luyện để đẩy nhanh hiệu quả có thể dễ chấn thương. Do đó, hãy bắt đầu một cách chậm rãi, tăng tốc độ và cấp độ dần dần và theo dõi các phản ứng của cơ thể. Nếu có thể, hãy tập luyện cùng huấn luyện viên cá nhân để được tư vấn và hướng dẫn đúng cách.
Giảm đau khớp
Tập thể dục có thể giúp bảo vệ các khớp và hỗ trợ giảm đau. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tập thể dục vừa phải có lợi cho khớp, giúp giảm đau ngay cả khi đang mắc các tình trạng về khớp. Khi bạn càng di chuyển, vận động, bạn sẽ càng cảm thấy ít cứng khớp và mệt mỏi.
Tập thể dục cũng có thể cải thiện tâm trạng nhờ tăng cường các thụ thể trong não, điển hình là hormone endorphin, một hormone sinh ra từ tuyến yên giúp bạn cảm thấy dễ chịu, từ đó giảm bớt đau đớn. Bạn có thể thấy mình có nhiều động lực hơn và cơn đau sẽ dễ kiểm soát hơn sau khi tập thể dục.
Bên cạnh việc tập luyện thể dục vừa phải, một chế độ ăn tăng cường rau quả và trái cây cũng là cách tuyệt vời để xây dựng sức mạnh xương khớp. Rau quả giúp bổ sung vitamin C, khuyến khích xương phát triển và hoạt động như một chất chống oxy hóa có thể bảo vệ xương khỏi các tác hại, vitamin D và K giúp vận chuyển các dưỡng chất đến các bộ phận cơ thể bao gồm cả xương.
Một số bài viết khác:
Hội chứng Tennis Elbow dẫn tới viêm gân
Phù nề dây chằng chéo trước có nguy hiểm không?
Bệnh viêm khớp tinh thể là gì? Nguyên nhân và Cách điều trị
Các bài tập tốt cho người bị trật khớp háng
Trật xương bánh chè: nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị