Thoái hóa cột sống là bệnh mạn tính, tiến triển từ từ. Mức độ đau sẽ tăng dần khiến người bệnh bị hạn chế vận động, cột sống bị biến dạng mà không có viêm. Bệnh dẫn đến các tổn thương: Thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống, kèm theo các thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.
1. Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống bắt nguồn từ nhiều yếu tố: Tuổi cao, giới tính nữ, phải lao động nặng. Một số nguyên nhân khác như: Tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, do di truyền.
2. Triệu chứng của thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống hay gặp nhất là thoái hóa cột sống cổ và cột sống thắt lưng.Thoái hóa đoạn cột sống lưng ít gặp hơn.
Triệu chứng bệnh thường gặp khi thoái hóa cột sống: Đau cột sống âm ỉ, đau có tính chất cơ học (đau tăng khi vận động và giảm đi khi nghỉ ngơi), có thể cứng cột sống vào buổi sáng (dưới 30 phút). Khi thoái hóa ở giai đoạn nặng, có thể đau liên tục. Bệnh nhân có cảm giác lục khục khi cử động cột sống.
Thoái hóa cột sống để lâu ngày, không có phương pháp điều trị phù hợp có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Bị đau rễ thần kinh (đau cổ gáy lan ra vai và tay, đau thắt lưng lan xuống mông và chân) khi thoái hóa cột sống có các gai xương hoặc thoát vị đĩa đệm gây hẹp lỗ liên hợp, hẹp ống sống.
- Có thể có biến dạng gây gù, vẹo cột sống.
- Không có các triệu chứng toàn thân: Sốt, gầy sút, thiếu máu.
3. Chẩn đoán thoái hóa cột sống
- Dựa vào các triệu chứng lâm sàng
- Cận lâm sàng: Chụp X quang, MRI cột sống sẽ đánh giá được tình trạng đốt sống, đĩa đệm và các rễ thần kinh
- Một số xét nghiệm khác để loại trừ các bệnh gây đau cột sống khác như: Viêm cột sống dính khớp, lao cột sống.
4. Phòng chống bệnh thoái hóa cột sống
- Tránh bê, mang, vác xách nặng, hoặc đội vật nặng).
- Ngồi đúng tư thế. Tuy nhiên, không ngồi lâu một tư thế.
- Không làm các động tác vặn người, với hoặc cúi gập quá mức.
- Tránh các động tác rung giật.
- Không để bị thừa cân, béo phì.
- Khi đã có thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nên hạn chế chạy nhảy, đi bộ mà nên bơi, treo xà đơn.
- Thường xuyên tập các bài tập cho cột sống.
- Người lao động nặng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ.
5. Điều trị bệnh thoái hóa cột sống
Khi có triệu chứng đau thắt lưng hoặc đau vùng cổ gáy, nên đến cơ sở y tế khám để loại trừ các nguyên nhân gây đau khác như viêm, ung thư di căn. Tùy thuộc vào mức độ thoái hóa của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị, chế độ vận động phù hợp.
Quá trình điều trị có thể kết hợp với điều trị triệu chứng bằng thuốc (giảm đau, sử dụng thuốc chống viêm không steroid – NSAID, giãn cơ, vitamin nhóm B, giảm đau thần kinh), chống thoái khớp tác dụng chậm; tập vật lý trị liệu.
Người bệnh bị thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, hẹp ống sống khi đã điều trị tích cực nội khoa (thuốc, vật lý trị liệu…) hơn 3 tháng mà không có kết quả, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng thì cần phải phẫu thuật.
Một số bài viết khác:
Hội chứng Tennis Elbow dẫn tới viêm gân
Phù nề dây chằng chéo trước có nguy hiểm không?
Bệnh viêm khớp tinh thể là gì? Nguyên nhân và Cách điều trị
Các bài tập tốt cho người bị trật khớp háng
Trật xương bánh chè: nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị